Học thạc sĩ kinh doanh: Đừng bỏ tiền chỉ vì muốn “có bằng”
Dưới lăng kính của những “sếp lớn” trong mảng tuyển dụng ở các công ty đa quốc gia, học thạc sĩ kinh doanh MBA chỉ để có được tấm bằng, xét theo đúng nghĩa đen, chưa chắc đảm bảo một vị trí tốt cho các ứng viên.
Tại hội thảo MBA For Success do UEH-ISB tổ chức, bà Nguyễn Tâm Trang – Giám đốc Nhân sự toàn cầu Unilever International, kiêm Giám đốc Nhân sự Unilever Châu Á đã có nhiều chia sẻ ý nghĩa về nghề nghiệp, phát triển bản thân và giá trị của tấm bằng MBA.
Học thạc sĩ kinh doanh MBA rất nặng lý thuyết?
Nhớ lại giai đoạn đắn đo chọn học MBA, bà Trang không theo học ngay sau khi tốt nghiệp, chỉ sau 7 năm đi làm, bà mới tạm gác lại công việc, sang ĐH Assumption (Thái Lan), học tập. Lúc đó, bà cảm nhận rõ ràng mình cần bứt phá trong nghề nghiệp, trong khi bằng MBA nói riêng, và các bằng cao học nói chung, là cơ hội cho học viên nâng năng lực lên một tầm cao mới.
Học thạc sĩ kinh doanh, nhiều bạn “than” rằng, chương trình nặng lý thuyết, nhưng theo bà Trang, không hẳn như thế. Các kiến thức học được đều là những điển hình thành công hay thất bại ở các công ty. Lĩnh hội được những hiểu biết này không khác gì thu gom cùng lúc các bài học vận hành ở nhiều công ty.
Giá trị của tấm bằng và việc học MBA còn tiềm ẩn ở các “đồng môn” – những người thường đã ít nhiều công tác cho các doanh nghiệp, tổ chức lớn. Chỉ cần một lớp MBA có 30 người, bạn sẽ học được cách giải quyết vấn đề thực tế từ 30 “kinh nghiệm sống” quý giá.
Bà Trang chia sẻ: “Nên học MBA khi không đặt nặng chuyện bằng cấp, mà quan trọng về độ rộng, độ sâu kiến thức. MBA sẽ kết nối tất cả lĩnh vực với nhau như marketing, sale, nhân sự, tài chính,… Những gì thu được đằng sau tấm bằng thạc sĩ kinh doanh sẽ có được sự tổng hợp lớn”.
Điểm “soi kỹ” của nhà tuyển dụng cấp cao
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực nhân sự, bà Trang cho rằng các công ty đa quốc gia thường không dựa vào bằng cấp để tuyển người. Thay vào đó, cơ sở đánh giá là kiến thức, kinh nghiệm và khả năng lĩnh hội cái mới. Vì vậy, sự linh hoạt là cần thiết, kiến thức cần được làm mới mỗi ngày, chỉ cần dừng nghỉ một chút đã là lỗi thời.
Từ khóa kỹ năng “hot” hiện nay là học tập suốt đời, nói cách khác là kỹ năng có thể học được những kỹ năng mới. Bà Trang cho biết bà cũng phải tự học 360 độ, từ sếp, chuyên gia, bạn bè đến cả con cái. Đặc biệt, bà dành thời gian mỗi tuần gặp gỡ các bạn trẻ để… được “cố vấn ngược”. Chính các bạn trẻ đã cho bà những kinh nghiệm, góc nhìn và bài học độc đáo.
Bà Trang khuyên, sinh viên cần xác định con đường tương lai của mình, từ đó chuẩn bị dần các hành trang ngay từ sớm. Kinh nghiệm làm việc thời sinh viên không nhất thiết liên quan đến chuyên ngành, thay vào đó, các công ty đánh giá cao sự chủ động và vốn sống bạn tích lũy được qua những công việc đó. Cũng chính vì vậy, việc học thạc sĩ kinh doanh chỉ để lấy được tấm bằng mà không thực sự “chuyển hóa” kiến thức và tận dụng những giá trị thiết thực của MBA, sẽ không giúp ứng viên đảm bảo có được một vị trí tốt.
Nhân sự Việt Nam nổi tiếng kiên trì, khi “gật đầu” đồng ý làm việc gì là làm cho tới cùng, làm rất tốt. Tuy nhiên cũng cần lưu tâm đến thái độ, tư duy, cách đặt vấn đề và chưa biết thể hiện tốt quan điểm bản thân một cách khéo léo.
Nhiều các đồng nghiệp châu Á như Ấn Độ hay Philippines, dù không xuất sắc về chuyên môn, nhưng biết nói rất hay, “tô điểm” bản thân tốt hơn nhiều. Bà Trang cho rằng, nhân sự Việt cũng nên “vừa làm giỏi, vừa nói hay”, giúp dễ dàng tận dụng các kết nối cho công việc.